Oto Truong Hai
Truong Hai
Trường Hải 2
Dự án: Cầu Bãi Cháy/Bai Chay Bridge

Dự án: Cầu Bãi Cháy/Bai Chay Bridge

Trong suốt 50 năm kể từ ngày thành lập tỉnh đến nay có rất nhiều công trình đã được xây dựng, làm thay đổi diện mạo của Quảng Ninh. Nhưng có lẽ công trình ghi dấu ấn đậm nét nhất, sâu sắc nhất trong lòng người dân tỉnh nhà hẳn là cầu Bãi Cháy. Đây là công trình mà ngay từ lúc thi công cho đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, luôn thu hút sự quan tâm của không chỉ đông đảo người dân Quảng Ninh mà là của chung cả nước…

Ngày 18 tháng 5 năm 2003, trong không khí cả nước long trọng chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật lần thứ 113 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2003), tại TP Hạ Long, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng (lúc ấy là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã phát lệnh khởi công Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy. Dự án do Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông (TEDI) lập báo cáo nghiên cứu khả thi và được Viện Cầu và Kết cấu Nhật Bản (JBSI) xem xét, hoàn chỉnh lại vào năm 1997).

Đây là cây cầu dây văng bê tông cốt thép dự ứng lực một mặt phẳng dây với độ dài nhịp chính lên tới 435m, đạt kỷ lục thế giới với loại cầu theo kết cấu này. (Trước cầu Bãi Cháy, kỷ lục này thuộc về cầu Sunshinne Skyway của Mỹ, có chiều dài nhịp chính là 400m). Công trình được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ, với tổng mức đầu tư xây dựng là 2.140 tỷ đồng. Với công trình cầu Bãi Cháy, nhiều công nghệ, kỹ thuật thi công tiên tiến lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam như biện pháp thi công móng giếng chìm hơi ép, móng cọc Shinco…

Sau hơn 40 tháng thi công, ngày 2-12-2006, cầu Bãi Cháy đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Có thể nói, ngày khánh thành cầu Bãi Cháy thực sự là ngày hội của đông đảo người dân Quảng Ninh. Nó là “cây cầu trong mơ”, không chỉ bởi giá trị về mặt giao thông vận tải (nối liền hai bờ Cửa Lục, chấm dứt vĩnh viễn việc chuyển tải qua phà Bãi Cháy, bến phà cuối cùng trên toàn tuyến Quốc lộ 18A từ các tỉnh phía trong ra Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, tạo điều kiện để kích thích sự phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Ninh nói riêng, các tỉnh khu vực phía Bắc nói chung...), mà còn bởi đây là cây cầu vừa hiện đại, vừa đẹp, như một “điểm nhấn” cho bức tranh Vịnh Hạ Long càng thơ mộng hơn, đáng yêu hơn! Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên, cầu Bãi Cháy ra đời, bên cạnh sự thuận lợi về giao thông, đi lại, người ta còn nói nhiều về nó như một điểm đến hấp dẫn cho du lịch Vịnh Hạ Long, trở thành đề tài sáng tác nghệ thuật cho các nhà nhiếp ảnh, hội hoạ, thi ca v.v.

Với tất cả những giá trị về nhiều mặt như vậy, cũng có thể nói, cầu Bãi Cháy ra đời đã tạo niềm hứng khởi, là động lực mới cho Quảng Ninh phát triển, đi lên. Nó là dấu ấn đáng nhớ của tỉnh trong những năm đầu thế kỷ XXI!